Lời ngọt ngào hay chiêu trò? Dấu hiệu nhận biết thao túng tâm lý trong tình yêu

Lời ngọt ngào hay chiêu trò? Dấu hiệu nhận biết thao túng tâm lý trong tình yêu

45 Lượt xem

Content Writer

Vũ Ngọc Mỹ

“Những kẻ thao túng không phải do không thể hiểu được cảm xúc của bạn, mà là họ biết chính xác cách để khiến bạn cảm thấy mất đi giá trị của bản thân.” (Lundy Bancroft – tác giả cuốn Why Does He Do That?). Các nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, một tỷ lệ đáng báo động ở các mối quan hệ đang phải đối mặt với vấn nạn thao túng tâm lý. Kết quả này đã cho thấy, đây không dừng lại là một vấn đề của riêng ai mà đã trở thành một vấn đề xã hội. Vậy thao túng tâm lý trong tình yêu là gì mà lại đáng sợ đến thế?

Thao túng tâm lý trong tình yêu là gì?

Thao túng tâm lý trong tình yêu – hay “gaslighting in love” – là một hình thức lạm dụng tinh vi trong các mối quan hệ độc hại. Thao túng tâm lý có thể hiểu là khi một người âm thầm kiểm soát đối phương bằng cách khiến họ dần dần hoang mang, mất niềm tin vào chính bản thân, ký ức và nhận thức của mình. Mục đích của kẻ thao túng là làm cho nạn nhân phụ thuộc hoàn toàn, cảm thấy mơ hồ về thực tại và luôn tin rằng mình sai dù thực tế không phải vậy.

Có nhiều người có thể đã hoặc lờ mờ nhận ra được sự bất thường trong mối quan hệ nhưng lại không thể dứt ra. Bởi chính bản thân họ đã bị thao túng quá sâu, luôn tin rằng mình có lỗi và cần làm mọi thứ để giữ đối phương. Những người này thường dễ dàng bị dẫn dắt vào những hành động phi lý và thậm chí là “điên rồ” để làm hài lòng kẻ thao túng.

Thao túng tâm lý - hành vi kiểm soát đối phương bằng cách khiến họ hoang mang, mất niềm tin vào bản thân và dần phụ thuộc hoàn toàn
Thao túng tâm lý – hành vi kiểm soát đối phương bằng cách khiến họ hoang mang, mất niềm tin vào bản thân và dần phụ thuộc hoàn toàn

Gaslighting có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong mối quan hệ, có thể là giai đoạn mới yêu hay sau khi kết hôn, không phân biệt độ tuổi hay thời gian bên nhau. Điều đáng nói là người ngoài cuộc dễ dàng nhận ra sự “toxic” của mối quan hệ này. Nhưng người trong cuộc lại  thường không ý thức được vì đã bị dẫn dắt quá tinh vi. Phải mất một thời gian dài, khi kẻ thao túng trở nên lộ liễu và mất kiểm soát, nạn nhân mới có thể nhận ra chính mình đang bị thao túng cỡ nào!

Những kẻ thao túng thường rất tinh vi. Họ không để lộ bản chất ngay từ đầu mà luôn luôn tỏ ra hoàn hảo, ngọt ngào để thu hút sự tin tưởng. Sau đó kẻ thao túng từng bước sẽ làm suy yếu nhận thức và cảm xúc của đối phương một cách khéo léo. Nạn nhân khi đó không cách nào để có thể nhận ra mình đang bị điều khiển.

Người thích thao túng tâm lý trong tình yêu có đặc điểm gì?

Những người thích thao túng thường là những người không thể dẫn dắt mọi thứ theo ý mình. Nếu họ đã có thể kiểm soát và đạt được phần lớn mục tiêu, họ sẽ không cảm thấy cần phải ép buộc hay thao túng phần còn lại. Nhưng chính vì mọi thứ không diễn ra như mong muốn, họ mới tìm cách thao túng để lấp đầy khoảng trống của sự bất lực đó.

Một ví dụ về sự ghen tuông: Nếu bạn không sợ mất cô ấy, bạn sẽ không tìm lý do để cấm đoán, kiểm soát cô ấy đi đâu hay gặp gỡ những ai. Sự thao túng chỉ xuất hiện khi bạn cảm thấy lo sợ và không chắc chắn về vị trí của mình trong mối quan hệ.

Chẳng hạn, những câu hỏi như: “Em đi chơi ở đâu? Đi với ai? Có phải thằng X cũng có mặt đúng không?” thể hiện sự ghen tuông, là biểu hiện của sự thiếu tự tin, muốn kiểm soát cảm xúc và hành động của đối phương.

Những người thao túng cảm thấy bất lực trong việc kiểm soát cuộc sống và tìm cách lấp đầy khoảng trống đó bằng cách thao túng người khác
Những người thao túng cảm thấy bất lực trong việc kiểm soát cuộc sống và tìm cách lấp đầy khoảng trống đó bằng cách thao túng người khác

Một ví dụ khác là “trai tốt” thường cố gắng bôi xấu những vệ tinh xung quanh cô ấy để thay đổi quyết định của cô ấy. Nếu bạn đủ khả năng và tự tin chinh phục cô ấy, bạn sẽ không cần phải thao túng, hạ bệ người khác để đạt được mục đích. Nhưng khi cảm thấy thua thiệt, bạn mới bắt đầu nói những điều như: “X chuyên lừa tình con gái mới lớn, tốt nhất em đừng dính vào nó.” Thật là một dạng thao túng tâm lý điển hình, khi người ta phải hạ thấp người khác để gia tăng cơ hội cho mình.

Những người biết dẫn dắt có phải là kẻ thích thao túng tâm lý?

Những người biết dẫn dắt trong tình yêu là hoàn toàn đối lập với những người thao túng tâm lý. Những người dẫn dắt hiểu rằng góc nhìn của mỗi người đều khác biệt, và thay vì cố gắng ép buộc người khác phải theo mình, họ chỉ cần chia sẻ quan điểm của bản thân một cách tự nhiên. Bởi họ biết rằng, khi chính kiến của họ đủ mạnh, người khác sẽ tự nhiên bị cuốn theo mà không cần phải thúc ép hay chứng minh điều gì.

Thay vì lôi kéo, họ truyền cảm hứng. Câu chuyện về một YouTuber mà tôi từng theo dõi là một minh chứng rõ ràng. Người này chia sẻ về internet marketing với niềm đam mê và sự chân thành. Khi anh ấy tạm dừng kênh và mở lại sau một thời gian, rất nhiều khán giả vẫn nhiệt tình ủng hộ và để anh ấy tiếp tục công việc. Đó chính là sức mạnh của việc truyền cảm hứng – khi người ta không cần phải cố gắng lôi kéo, nhưng sự hiện diện của họ luôn được yêu thích và đón nhận.

Ngược lại, một trường hợp hài hước khác kể về một người hứa hẹn sẽ trả 500k cho 100 người đầu tiên theo dõi kênh YouTube của mình. Dĩ nhiên, không ai nhận được khoản tiền đó, và kênh của anh ta bị report đến mức phải đóng cửa. Đây là sự khác biệt rõ ràng giữa người lôi kéo và người truyền cảm hứng – kẻ lôi kéo phải dùng những thủ thuật gian trá, trong khi người truyền cảm hứng lại thu hút mọi người một cách tự nhiên, bền vững.

Người biết dẫn dắt là người tinh tế trong tình yêu!
Người biết dẫn dắt là người tinh tế trong tình yêu!

Một người biết dẫn dắt cũng rất giỏi trong việc thiết lập ranh giới. Họ không kiểm soát người yêu bằng cách cấm đoán như “không được đi chơi”, “không được nhuộm tóc”, hay “không được mặc váy ngắn”, bởi họ tự tin và biết rằng nếu ranh giới bị vượt qua, hành động sẽ được thực hiện. Như câu nói: “Phụ nữ là món quà tuyệt vời, nhưng đừng bao giờ sợ mất cô ấy.” Họ thiết lập ranh giới rõ ràng và luôn sẵn sàng thực thi khi cần, mà không phải lo lắng về sự bất ổn trong mối quan hệ.

Điều đặc biệt ở những người biết dẫn dắt là họ cũng sẵn sàng chấp nhận khi được người khác dẫn dắt. Không phải lúc nào cũng cần phải kiểm soát mọi thứ. Đôi khi, việc để người khác có góc nhìn và cách tiếp cận khác bạn cũng là một trải nghiệm thú vị. 80% thời gian, bạn có thể là người dẫn dắt, nhưng 20% còn lại, hãy thoải mái để người khác chỉ đường và tận hưởng những trải nghiệm mới mẻ mà nó mang lại.

Chính bởi vậy, người dẫn dắt vừa là người biết tạo nên sự thu hút, vừa biết tôn trọng bản thân và người khác, xây dựng mối quan hệ dựa trên sự cân bằng, hiểu biết và sự tự tin thay vì cố gắng thao túng hay kiểm soát.

Cảnh giác với các dấu hiệu thao túng tâm lý phổ biến

Bạn có bao giờ cảm thấy mệt mỏi vì luôn bị người khác khiển trách hoặc đổ lỗi? Hay bạn thường xuyên nghi ngờ về giá trị bản thân? Nếu vậy, bạn cần phải cảnh giác. Thao túng tâm lý trong tình yêu là một vấn đề nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn.

Gaslight

Nếu một người thường xuyên châm chọc, nói dối, hoặc đổ lỗi cho bạn, khiến bạn cảm thấy hoài nghi về chính mình và mất đi sự tự tin, thì rất có thể họ đang sử dụng hành vi gaslighting. Thao túng tâm lý là quá trình xảy ra một cách chậm rãi và thường khó nhận ra. Những dấu hiệu có thể được nhận diện qua những câu nói như “Anh quá nhạy cảm rồi,” “Chuyện nhỏ thôi, không cần làm quá lên,” hay “Chỉ có điên mới hành xử như vậy.”

Thoạt nhìn, những lời nói này có vẻ vô hại. Tuy nhiên, khi chúng lặp đi lặp lại nhiều lần, bạn sẽ bắt đầu ngờ vực bản thân, cảm thấy lo lắng, mất tự tin và dần mất khả năng phân biệt đâu là sự thật. Kẻ gaslighting thường sẽ phủ nhận mọi sai trái từ phía mình và cố gắng kiểm soát cả suy nghĩ lẫn hành động của bạn, khiến bạn cảm thấy lệ thuộc vào họ và không thể tự tin vào chính những cảm xúc hay suy nghĩ của mình.

Nếu ai đó thường xuyên châm chọc, nói dối hoặc đổ lỗi khiến bạn hoài nghi về bản thân và mất tự tin, rất có thể họ đang gaslighting bạn
Nếu ai đó thường xuyên châm chọc, nói dối hoặc đổ lỗi khiến bạn hoài nghi về bản thân và mất tự tin, rất có thể họ đang gaslighting bạn

Hành vi gây hấn thụ động

Hành vi gây hấn thụ động là cách một người tránh bày tỏ cảm xúc và mong muốn một cách thẳng thắn. Thay vì đối diện với vấn đề một cách trực tiếp, họ chọn cách im lặng, trì hoãn hoặc sử dụng những lời mỉa mai, châm biếm về những điều họ không đồng ý. Điều đó gây ra sự khó chịu, căng thẳng cho đối phương, khiến họ cảm thấy bị “mắc kẹt” và phải nỗ lực làm hài lòng người gây hấn thụ động để tránh kéo dài tình trạng căng thẳng này.

Nói dối và đổ lỗi là dạng thao túng tâm lý khá phổ biến

Một người thao túng tâm lý trong tình yêu thường né tránh việc chịu trách nhiệm về hành động của mình. Họ có thể liên tục nói dối hoặc phóng đại sự thật để tạo ra một hình ảnh tốt hơn về bản thân. Đôi khi, họ thậm chí đổ lỗi cho bạn, khiến bạn nghi ngờ bản thân và mất đi khả năng nhận thức đúng sai về những gì thực sự đã xảy ra.

Mặc dù một số người có thể nghĩ rằng có những lời nói dối vô hại, trong trường hợp này, lời nói dối lại là công cụ để thao túng và kiểm soát, nhằm mục đích đánh lừa và lợi dụng cảm xúc của bạn.

Ép buộc và đe dọa 

Khi một người đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để ép buộc bạn làm theo ý họ, đó là một dạng thao túng tâm lý rõ rệt. Trong nhiều mối quan hệ yêu đương, chẳng hạn, có những người dùng lời đe dọa chia tay để gây áp lực, buộc đối phương phải làm mọi cách giữ gìn mối quan hệ. Một số khác còn đe dọa sẽ tự gây hại cho chính mình nếu không được đáp ứng mong muốn, ép buộc người yêu phải làm theo yêu cầu của họ.

Im lặng và rút lui 

Một dấu hiệu khác của thao túng tâm lý trong tình yêu là khi đối tác chọn im lặng và rút lui khỏi cuộc trò chuyện. Họ có thể ngừng giao tiếp hoàn toàn, từ chối thể hiện tình cảm hoặc thậm chí là ngừng mọi tiếp xúc thân mật, như một hình thức “trừng phạt” ngầm.

Chiến thuật này nhằm khiến bạn cảm thấy bức bối, lo lắng và dần bị đẩy vào trạng thái phải nhận lỗi về mình, dù có thể bạn không làm sai. Bằng cách tạo ra khoảng cách lạnh lùng, họ khiến bạn cảm thấy có trách nhiệm khôi phục mối quan hệ, khiến bạn trở nên dễ tổn thương và mất tự tin.

Im lặng là một vũ khí thao túng, khiến bạn cảm thấy tội lỗi và buộc phải làm theo ý đối phương
Im lặng là một vũ khí thao túng, khiến bạn cảm thấy tội lỗi và buộc phải làm theo ý đối phương

Cách ly

Đây là một hành vi thao túng tâm lý khi một người cố gắng giành lấy sự ủng hộ từ bạn bè hoặc người thân của bạn, hoặc thậm chí tách bạn ra khỏi những mối quan hệ này để dễ dàng kiểm soát bạn hơn. Bằng cách này, họ có thể làm cho bạn cảm thấy cô lập và thiếu sự hỗ trợ, từ đó dễ dàng hơn trong việc khiến bạn thực hiện theo những mong muốn của họ.

Hành vi này gây tổn hại đến các mối quan hệ cá nhân của bạn, đồng thời tạo ra một môi trường áp lực, nơi mà bạn phải lựa chọn giữa sự trung thành với người thao túng và những người thân yêu trong cuộc sống của mình.

Xem thêm: Các dạng thao túng tâm lý phổ biến trong tình yêu: Grooming, Silent treatment, Triangulation, Playing the Victim

Dấu hiệu sau cùng: Kẻ thao túng tâm lý trong tình yêu luôn thắng, còn bạn luôn thua

Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của thao túng tâm lý trong tình yêu là việc người kia luôn đứng ở vị trí chiến thắng, trong khi bạn luôn là kẻ thua cuộc, bất kể tình huống diễn ra như thế nào.

Ví dụ, nếu cô ấy cảm thấy bực bội vì một chuyện bên ngoài, như việc dắt xe nhưng không may bị ngã, cô ấy có thể đổ lỗi cho bạn vì đã chọn một chiếc xe quá to và cồng kềnh, và trách móc bạn vì sao không mua một chiếc khác. Mặc dù có thể coi đây là một hành động ngốc nghếch đáng yêu của phái nữ, nhưng nếu tình trạng này lặp đi lặp lại, và họ liên tục đổ lỗi cho bạn dù bạn không có lỗi, thì đó chính xác là thao túng tâm lý.

Đừng để kẻ thao túng làm bạn tổn thương và gục ngã 
Đừng để kẻ thao túng làm bạn tổn thương và gục ngã

Một ví dụ khác mà nhiều người có thể gặp phải là khi vợ phản bội và cặp bồ với sếp. Thay vì thừa nhận lỗi lầm của mình, người vợ lại đổ lỗi cho chồng, cho rằng “tại anh suốt ngày chỉ mải chơi,” hay “tại anh không lo lắng cho tôi như những người khác.” Những hành vi này không chỉ gây tổn thương mà còn làm cho bạn cảm thấy bất lực và bị kiểm soát.

Hy vọng rằng bạn sẽ không bao giờ phải rơi vào tình cảnh như vậy. Hơn cả bị điều khiển, đó là thao túng tâm lý trong tình yêu.

Nên làm gì khi biết bản thân bị thao túng tâm lý trong tình yêu?

Tất nhiên, nếu bạn cảm thấy mình đang bị kiểm soát và luôn sống trong sự bất ổn trong mối quan hệ của chính mình, việc tìm ra giải pháp là rất cần thiết. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn vượt qua tình huống khó khăn này:

Ngồi xuống và trò chuyện với đối phương

Nhiều người có thể khuyên rằng đây không phải là điều nên làm, nhưng khi nhận ra mình đang bị thao túng tâm lý trong tình yêu, hãy bình tĩnh nhìn nhận lại mối quan hệ và thảo luận với nửa kia. Đôi khi, những hành động hoặc câu nói của họ chỉ là vô tình. Bạn có thể chỉ ra những dấu hiệu đó và bày tỏ mong muốn rằng họ có thể thay đổi trong tương lai.

Tuy vậy, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, hãy chấp nhận rằng việc từ bỏ có thể là giải pháp tốt nhất. Dù việc từ bỏ một người mà bạn yêu có thể rất đau đớn, nhưng nếu kéo dài, người chịu thiệt thòi nhất sẽ chính là bạn.

Học cách nói ra lời từ chối

Điều này áp dụng cho tất cả các mối quan hệ, không chỉ riêng tình yêu. Bạn cần biết cách nói “không” với người khác. Nếu bạn luôn đồng ý với mọi điều nửa kia nói, họ sẽ coi bạn là người dễ dãi và càng tìm cách thao túng bạn nhiều hơn.

Tự yêu bản thân nhiều hơn – Tại sao không?

Lời khuyên này rất quan trọng. Khi bạn nhận ra mình đang bị thao túng tâm lý trong tình yêu, hãy dành thời gian để yêu thương bản thân nhiều hơn. Đặt những mong muốn và nhu cầu của chính mình lên hàng đầu, và không chiều theo mọi yêu cầu của đối phương. Khi bạn biết cách yêu bản thân và không để ai xâm phạm quyền cá nhân của mình, nửa kia sẽ hiểu và tôn trọng điều đó hơn.

Tạm kết 

Hiện nay, không ít mối quan hệ trở nên “độc hại” chỉ vì một trong hai người luôn mong muốn giữ vị thế “kèo trên”. Hành vi thao túng tâm lý trong tình yêu không chỉ gây ra sự căng thẳng, mà còn khiến cho tâm lý của bạn ngày càng tồi tệ và hao mòn theo thời gian. Điều quan trọng là hãy bình tĩnh nhìn nhận lại tình yêu của mình.

Nếu bạn cảm thấy nửa kia không phù hợp hoặc mối quan hệ này đang gây ra nhiều tổn thương, hãy dũng cảm từ bỏ và tìm kiếm sự thay đổi tích cực cho chính mình. Cuộc sống quá ngắn ngủi để chấp nhận những điều không xứng đáng. Hãy ưu tiên hạnh phúc và sự bình yên của bản thân!

Tag:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *