Mỗi mối quan hệ đều có mặt sáng và tối của nó. Trong những trường hợp đặc biệt, tình cảm không chỉ là nơi chở che cho sự yêu thương và sự hạnh phúc mà còn là nơi chứa đựng những tổn thương và nỗi đau.
Hiệu ứng Stockholm trong tình cảm cũng là một hiện tượng như vậy. Nó khiến những người bị ảnh hưởng đắm chìm trong những mối quan hệ độc hại mà họ không thể tự thoát ra. Vậy hiệu ứng Stockholm là gì?
Nội dung:
Hiệu ứng Stockholm trong tình cảm là gì?
Hội chứng Stockholm là một hiện tượng tâm lý xảy ra khi các con tin hoặc nạn nhân của một vụ bắt cóc bắt đầu tạo dựng mối liên kết với những kẻ bắt cóc hoặc người đã lạm dụng, giam giữ họ. Mối liên kết này có thể hình thành trong quá trình bị giam cầm hoặc lạm dụng kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Thậm chí có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc nhiều năm.
Trong rất nhiều trường hợp, nạn nhân có thể phát triển cảm giác đồng cảm đối với kẻ bắt cóc mình. Điều này hoàn toàn trái ngược với phản ứng thông thường là sợ hãi, kinh hoàng, hay khinh bỉ và ghét bỏ.
Thay vì phản ứng với nỗi sợ hãi và sự kinh hoàng, một số nạn nhân bắt đầu phát triển tình cảm tích cực với những kẻ giam cầm họ. Họ có thể cảm thấy đồng cảm và thậm chí có những cảm xúc tiêu cực đối với cảnh sát, chính quyền – những người đang cố gắng giải cứu họ.
Đôi khi, những người mắc phải hội chứng Stockholm còn tỏ ra khó chịu hoặc tức giận với bất kỳ ai đang cố gắng giúp họ thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Sự nghịch lý này chỉ xuất hiện ở một số ít con tin và đến nay, các chuyên gia tâm lý vẫn chưa thể lý giải đầy đủ nguyên nhân dẫn đến hội chứng này.
Nhiều chuyên gia y tế và nhà tâm lý học coi hội chứng Stockholm là một cơ chế đối phó, một cách để giúp nạn nhân xử lý chấn thương tâm lý trong hoàn cảnh nguy hiểm.
Một ví dụ rõ ràng về hiệu ứng Stockholm trong tình cảm là câu chuyện của M và T. M đã ở bên T suốt vài năm. T có những lúc rất yêu thương và chăm sóc M, đặc biệt khi cô ốm đau. Nhưng T cũng kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống của cô, thậm chí thường xuyên làm tổn thương M cả về thể xác lẫn tinh thần.
Sau mỗi lần làm tổn thương M, T lại xin lỗi và hứa hẹn sẽ không bao giờ làm như vậy nữa. T tặng M những món quà nhỏ chuộc lỗi. Và vì vậy, M tin rằng T thực sự yêu cô và sẽ thay đổi. Cô nhớ lại những ngày đầu yêu nhau, khi T vô cùng ngọt ngào và quan tâm. Cô tự nhủ rằng T vẫn là con người ấy, chỉ là bị áp lực cuộc sống làm thay đổi. Đôi khi cô còn tự trách mình vì đã không đủ tốt để giữ cho T luôn vui vẻ.
Mỗi khi có ai đó quan tâm và hỏi han về mối quan hệ của họ, M luôn bảo vệ T. Cô khẳng định rằng mọi thứ vẫn ổn, rằng T là người tốt và yêu cô thật lòng, không giống như những gì người khác nhìn thấy. Sự gắn bó theo thời gian, những kỷ niệm đẹp đẽ trong quá khứ và hy vọng về một tương lai hạnh phúc khiến M không thể rời bỏ T, dù trong thâm tâm cô biết rằng việc này sẽ tiếp tục làm hại cô.
Đây là một ví dụ điển hình về hội chứng Stockholm trong tình cảm, nơi mà nạn nhân phát triển cảm giác đồng cảm và gắn bó với kẻ đã lạm dụng mình, bởi những ký ức đẹp đẽ và hy vọng mong manh về sự thay đổi tích cực. Câu chuyện của M là minh chứng cho sự phức tạp và đau đớn của hội chứng này, một vòng xoáy cảm xúc mà cô không thể thoát ra.
Các triệu chứng của hiệu ứng Stockholm trong tình cảm
Hội chứng Stockholm có thể được nhận biết qua ba triệu chứng riêng biệt:
- Nạn nhân bắt đầu phát triển những tình cảm ấm áp, thậm chí là yêu mến, đối với kẻ đang giam giữ hoặc làm tổn thương họ.
- Họ có xu hướng không tin tưởng và thậm chí phản đối những người muốn giải cứu họ. Nạn nhân từ chối hợp tác chống lại kẻ bắt giữ mình, xem những người có thẩm quyền như kẻ thù.
- Nạn nhân tin rằng họ và kẻ bắt giữ có chung lợi ích và mục tiêu, dẫn đến việc họ cảm thấy mình và kẻ bắt giữ đang cùng phe.
Những cảm giác này thường xuất hiện khi nạn nhân cảm thấy sợ hãi. Ví dụ, những người bị bắt cóc hoặc giữ làm con tin thường cảm thấy bị đe dọa bởi kẻ bắt giữ họ nhưng cũng phụ thuộc vào chúng để tồn tại.
Nếu kẻ bắt cóc hoặc kẻ lạm dụng thể hiện bất kỳ hành động tử tế nào, nạn nhân có thể bắt đầu phát triển cảm xúc tích cực đối với họ vì “lòng trắc ẩn” này. Theo thời gian, nhận thức này dần làm sai lệch suy nghĩ của nạn nhân về kẻ bắt giữ họ, biến những hành động bạo lực và lạm dụng trở nên dễ chấp nhận hơn trong mắt họ.
6 nguyên nhân chính gây ra hội chứng Stockholm
Hiệu ứng Stockholm trong tình cảm không được công nhận trong các tài liệu chẩn đoán chính thức như ICD (Bảng phân loại bệnh quốc tế) hay DSM (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần). Hiện nay, y học chưa có bất kỳ tiêu chuẩn chẩn đoán nào được công nhận cho hội chứng này.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Stockholm vẫn chưa được làm rõ. Và không ai biết chắc chắn tại sao nó chỉ ảnh hưởng đến một số người. Theo thống kê, chỉ có khoảng 8% nạn nhân của các vụ bắt cóc hay giam cầm biểu hiện các triệu chứng của hội chứng Stockholm.
Một số yếu tố có thể kích phát hội chứng này ở người:
Ràng buộc tài chính và xã hội
Nạn nhân thường phụ thuộc vào người gây tổn thương về mặt tài chính và xã hội. Vì vậy họ luôn cảm thấy bản thân không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại. Sự phụ thuộc này làm cho họ cảm thấy không đủ khả năng tự nuôi bản thân và con cái nếu rời bỏ mối quan hệ.
Tiếp tục câu chuyện của M và T. T kiểm soát toàn bộ tài chính và cuộc sống gia đình. Mỗi khi M muốn mua thứ gì đó cho bản thân hoặc con, cô đều phải xin phép T. Sự phụ thuộc tài chính và xã hội này khiến M lo rằng nếu rời bỏ T, cô sẽ rơi vào thế yếu, mất quyền nuôi con và bị xã hội xa lánh.
M cảm thấy mắc kẹt trong vòng xoáy của bạo lực và kiểm soát. Mỗi lần T xin lỗi và hứa hẹn thay đổi sau khi làm tổn thương cô, M lại hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Sự gắn bó và hy vọng mỏng manh này khiến M không thể rời bỏ T, dù biết rằng việc ở lại sẽ tiếp tục làm hại cô. Hội chứng Stockholm đã biến sự phụ thuộc và nỗi sợ hãi thành một sự gắn kết bệnh lý, làm cho M không thể thoát khỏi T.
Nạn nhân tự ti và thiếu tự tin
Kẻ bạo hành sử dụng hành động và lời nói tiêu cực trong thời gian dài để làm suy giảm lòng tự trọng và tự tin của nạn nhân. Dần dần, nạn nhân tin rằng mình không xứng đáng được đối xử tốt hơn. Và không ai khác ngoài người gây tổn thương sẽ chấp nhận họ.
Cũng giống như M – một phụ nữ xinh đẹp và có tương lai sáng lạn, lại nghe những lời nói gây tổn thương và chỉ trích từ T suốt thời gian dài. T thường xuyên nói rằng M không làm được gì, vô dụng và nếu không phải T thì sẽ không ai khác yêu cô. T cũng biết về quá khứ không mấy vui của M và dùng nó để đánh vào lòng tự trọng của cô.
M bắt đầu tin vào những lời này. Kể từ khi đó, M cảm thấy mình không có giá trị và không thể sống tiếp mà không có T. Mỗi khi cô muốn kết thúc, M lại lo sợ rằng không ai sẽ chấp nhận cô nữa. Do đó, cô cố gắng không tìm ra con đường nào khác ngoài việc tiếp tục mối quan hệ này.
Hy vọng thay đổi
Nạn nhân thường nhớ lại những khoảnh khắc tốt đẹp xảy ra trong quá khứ và hy vọng rằng tương lai người gây tổn thương sẽ thay đổi, trở lại như trước. Họ tin rằng bằng cách yêu thương và cố gắng làm tốt hơn mọi thứ, họ có thể khiến người kia nhận ra lỗi lầm và thay đổi.
M đã nhiều lần tha thứ cho chồng sau khi anh hứa sẽ thay đổi và không gây tổn thương cô nữa. Mỗi lần T xin lỗi, anh ta tỏ ra hối hận và thường khóc lóc, nói rằng không thể sống mà không có M.
M luôn nhớ lại những ngày đầu yêu nhau khi T rất ngọt ngào và quan tâm. Mỗi lần T hứa hẹn, M lại hy vọng rằng anh ta sẽ thực sự thay đổi, và mọi thứ sẽ trở lại như xưa.
Sợ hãi và đe dọa chiếm quyền nuôi con
Kẻ bắt hạm thường sử dụng sự đe dọa và các hành vi tiêu cực để kiểm soát nạn nhân. Mối đe dọa lớn nhất đối với các bà mẹ thường là chiếm quyền nuôi con. Nạn nhân có thể sợ rằng nếu họ chấm dứt mối quan hệ, kẻ bạo hành sẽ sử dụng nguồn lực tài chính của mình hoặc sự ảnh hưởng ngoài xã hội để giành quyền nuôi con.
Trong câu chuyện trên, M đã bị T gây tổn thương và đe dọa nếu rời bỏ, T sẽ sử dụng sức ảnh hưởng của gia đình giàu có để chiếm lấy quyền được nuôi con. T đe dọa sẽ thuê luật sư giỏi để chứng minh rằng M không đủ khả năng (sức khỏe, tài chính, tinh thần, tâm lý…) chăm sóc con.
M lo sợ cô sẽ mất quyền nuôi con và con cái sẽ phải sống với một người cha tiêu cực. Vì thế, M mắc kẹt, không dám rời bỏ T, lo lắng về tương lai của con cái và sự kiểm soát của T.
Áp lực từ quan niệm văn hóa và xã hội
Điều này thực sự phổ biến và trở thành vấn nạn nhức nhối trong xã hội Việt Nam. Phụ nữ thường phải chịu áp lực của niềm tin cổ hủ, về việc chung thủy và phải sống trong vai trò là người vợ và người mẹ chăm sóc gia đình.
Mỗi khi M chia sẻ với người thân về những tổn thương từ chồng và mẹ chồng, cô thường nhận được lời khuyên rằng cô phải giữ gìn gia đình và không được để lòng tự trọng trước mắt của người khác. M cũng thường e sợ rằng nếu bỏ chồng, người thân và những người xung quanh sẽ dị nghị. Cô sẽ trở thành một người phụ nữ bị coi thường và thất bại trong mắt xã hội.
Ảnh hưởng từ tuổi thơ và tổn thương tuổi thơ
Những trải nghiệm và tổn thương từ tuổi thơ có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cách phụ nữ phản ứng với mối quan hệ sau này. Nếu một người lớn lên trong một môi trường gia đình mà có sự tổn thương hoặc thường chứng kiến cha mẹ tranh cãi và gây tổn thương cho nhau, họ có thể coi đó là một phần “bình thường” của mối quan hệ. Điều đó làm giảm khả năng phản kháng hoặc nhận ra sự cần thiết phải rời bỏ một mối quan hệ tiêu cực.
Từ bé, M đã chứng kiến cha thường xuyên gây tổn thương cho mẹ. Khi lớn lên và yêu T, M cũng bị tổn thương tương tự. Mặc dù cảm thấy đau đớn và khổ sở, nhưng vì đã quen với tình hình này từ tuổi thơ, M không nhận ra rằng cô cần phải thoát khỏi T. Cô nghĩ rằng mọi hôn nhân đều có vấn đề và phụ nữ phải chịu đựng để giữ gìn gia đình.
Vì sao hội chứng Stockholm dần trở nên phổ biến?
Theo “Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam” năm 2010, 58% phụ nữ đã từng kết hôn đã trải qua ít nhất một lần bạo lực trong đời. Tuy nhiên, 87% trong số họ chưa từng tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính thống.
Hội chứng Stockholm có thể giúp các nạn nhân giảm nguy cơ bị bạo hành. Tuy nhiên, hội chứng này khiến họ không muốn hợp tác trong quá trình giải cứu hoặc chống lại người bạo hành vì sợ sẽ bị tra tấn dã man hơn trước nếu xảy ra sai sót. Điều này là một phần lý do khiến những người gặp phải mối quan hệ độc hại không dám thoát ra.
Cơ chế sinh tồn là nguyên nhân quan trọng tạo nên hội chứng Stockholm. Nỗi sợ bị gây đau đớn khiến mọi người chọn cách thỏa hiệp. Việc có cảm tình với kẻ bạo hành giúp não bộ của nạn nhân chống đỡ những cú sốc. Trong tình trạng thiếu thốn tình cảm, nạn nhân dễ hiểu lầm việc kẻ bạo hành quan tâm mình là lòng tốt hoặc tình yêu.
Làm cách nào để thoát ra khỏi hiệu ứng Stockholm trong tình cảm?
Vì không phải là một bệnh lý, điều trị hội chứng Stockholm rất khó và thường cần một phương pháp linh hoạt và toàn diện. Nếu bạn phát hiện người thân của mình có dấu hiệu của hội chứng này, bạn nên:
- Liên tục đặt câu hỏi để nạn nhân tự đánh giá về mối quan hệ của mình và xác định những gì họ muốn làm.
- Tránh nói xấu về người kia trước mặt nạn nhân để tránh tác động tiêu cực.
- Không đưa ra lời khuyên mà hãy lắng nghe một cách không đánh giá.
- Đối với những trường hợp không nghiêm trọng, việc tư vấn tâm lý và sử dụng thuốc có thể mang lại hiệu quả ngắn hạn.
Những ám ảnh tâm lý, cảm giác lo lắng, sợ hãi và sự suy sụp tâm lý cần thời gian để chữa lành. Nạn nhân cần duy trì liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để theo dõi tình hình. Quá trình điều trị tâm lý là một quá trình lâu dài, và người bệnh cần hỗ trợ để giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực và hòa nhập trở lại cuộc sống bình thường.
Ngoài ra, sự yêu thương, thông cảm và đồng hành từ bạn bè và người thân là rất quan trọng. Nguồn năng lượng tích cực từ môi trường xã hội sẽ giúp họ vượt qua ám ảnh và chấn thương tâm lý. Các biện pháp khác như sử dụng thuốc chống trầm cảm hoặc các phương pháp đặc biệt cũng có thể được áp dụng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Kết luận
Hiệu ứng Stockholm trong tình cảm là một hiện tượng phức tạp. Những người bị mắc kẹt trong các mối quan hệ độc hại cần sự thông cảm và hỗ trợ từ cộng đồng. Bởi vậy, chúng ta cần tạo ra một môi trường xã hội nơi mọi người được tôn trọng và bảo vệ, nơi sự tự do và an toàn tâm lý được đặt lên hàng đầu. Bằng cách đó, chúng ta có thể giúp những người bị ảnh hưởng tìm kiếm giải pháp và thoát khỏi tình huống đau khổ.
Bài viết liên quan
Hội Chứng Burnout là gì? Burnout khác Stress như thế nào?
Manifest – Hiện thực hóa ước mơ là gì?
FOMO là gì? Tác động “nỗi sợ bỏ lỡ” đến đời sống như nào?
Tại sao thế hệ trẻ bây giờ lại dễ trầm cảm hơn trước?
Chữa lành – Xu hướng mới của giới trẻ: Yếu đuối hay tỉnh thức?
Doxxing Là Gì? Doxxing Dưới Góc Nhìn Tâm Lý Học Xã Hội